Âm nhạc của Văn Dung cất lên, lòng ta thấy ấm áp, hào sảng và lạc quan đến lạ!
Nhạc sĩ Văn Dung: Từ nhà báo thành nhạc sĩ nổi tiếng
Nhạc sĩ Văn Dung rời cõi tạm ở tuổi 86 vào lúc 20 giờ 23 phút ngày 8/3 tại Hà Nội. Thông tin vị nhạc sĩ tài ba, là "cha đẻ" của hàng loạt ca khúc "đi cùng năm tháng" như: Giải phóng quân ta ra đi (1965), Tiến về Khe Sanh (1968), Đường Trường Sơn xe anh qua, Bài ca Đường 9 chiến thắng (1971)... qua đời khiến nhiều người khá bất ngờ. Vẫn biết "sinh, lão, bệnh, tử" là quy luật không ai tránh khỏi nhưng sự ra đi của nhạc sĩ Văn Dung vẫn khiến nhiều đồng nghiệp, bạn bè và khán giả mến mộ "luống những ngậm ngùi".
Theo tư liệu từ Hội Âm nhạc Hà Nội cung cấp cho Dân Việt thì nhạc sĩ Văn Dung sinh vào 15/1/1936 tại làng Bích Câu, khu Hàng Bột, Hà Nội (nay thuộc phường Cát Linh, Ba Đình, Hà Nội). Ông xuất thân trong một gia đình tiểu thương nghèo có 7 người con. Năm nhạc sĩ Văn Dung lên 12 tuổi thì bố qua đời, năm ông 26 tuổi thì mẹ cũng đi xa. Vào đầu những những năm 50 của thế kỷ trước, nhạc sĩ Văn Dung đã được gia đình cho theo học ở trường Lý Thường Kiệt nên ông biết tiếng Pháp rất sớm.
Từ năm 1954 đến 1957 ông học trung học tại trường Chu Văn An – một ngôi trường nổi tiếng ở Hà Nội thời bấy giờ. Ông học giỏi nên được bầu vào làm Ủy viên Ban Chấp hành hiệu đoàn học sinh Chu Văn An.
Trong 1958 và 1959, ban ngày ông làm công việc trang trí trong Đoàn kịch nói Trung ương, tối đến, hôm nào không phải kéo phông màn thì ông lại tham gia công tác Bình dân học vụ và Bổ túc văn hóa với tư cách là tổ trưởng giáo viên.
Năm 1960, ông theo học lớp báo chí Trung ương do Ban Tuyên giáo tổ chức, thuộc Phân hiệu II của Trường Nguyễn Ái Quốc. Năm 1961 ông về công tác tại Ban Công nghiệp Đài Tiếng nói Việt Nam. Một thời gian sau, nhạc sĩ Cầm Phong đã đề nghị nhạc sĩ Văn Dung tham gia làm biên tập âm nhạc. Tháng 5/1993, ông được bổ nhiệm là Chủ nhiệm chương trình ca nhạc mới Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ông đã gắn bó cả cuộc đời mình với âm nhạc tại đây cho tới ngày nghỉ hưu (tháng 4/1998).
"Không được đào tạo chính quy về âm nhạc nhưng vốn là con người thông minh, ham học hỏi, đam mê âm nhạc, nhất là với cương vị công tác mới, chàng thanh niên trai trẻ Văn Dung đã lao vào tự học trên sách vở bằng tiếng Pháp, tiếng Việt và học ngay với cả những nhạc sĩ đàn anh lúc đó công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam như: Hồ Bắc, Hoàng Vân, Lưu Cầu, Phạm Tuyên...
Ca khúc "Đường Trường Sơn xe anh qua" do NSƯT Hồng Liên cùng tốp nữ thể hiện. Clip: NTCCM.
Ông từng nói: "Đằng sau những nốt nhạc chính là lòng nhân ái, chúng ta đã trải qua những năm, tháng không thể nào quên, đã trải qua những năm tháng bom đạn, với biết bao hy sinh xương máu chính là để giành được những khát vọng xanh. Đó là khát vọng của hòa bình, của tình yêu thương… Nhạc sĩ không phải chỉ là học để biết được các thể loại âm nhạc, mà cần thiết phải đi thực tế, thì tác phẩm mới sống được".
Dấu chân của ông đã in trên mảnh đất Quảng Trị Anh hùng, trên Khe Sanh, Trường Sơn, Đường 9 Nam Lào trong những ngày chiến tranh ác liệt nhất, để hôm nay những ca khúc của ông đã trở thành "báu vật" của nền âm nhạc nước nhà như các ca khúc: Đường Trường Sơn xe anh qua, Tiến về Khe Sanh, Bài ca Đường 9 chiến thắng, Giải phóng quân ta ra đi…
60 năm miệt mài lao động nghệ thuật âm nhạc, bằng vốn văn học, triết học Đông, Tây hòa trộn với nhau, bằng lòng nhân ái ẩn sau nhưng cung bậc âm nhạc... Nhạc sĩ Văn Dung đã để lại cho đời 54 ca khúc và hàng chục ca khúc viết cho các ban, ngành ở địa phương, mà nay không còn để lại bản thảo", PGS.TS, Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội chia sẻ với Dân Việt.
Nhạc sĩ Văn Dung đã trọn đời cống hiến cho âm nhạc Việt Nam
Lúc sinh thời, trong một cuộc trò chuyện với phóng viên Dân Việt, nhạc sĩ Văn Dung cho biết, năm 1960, ông được chuyển qua làm ở Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam với tư cách là biên tập chứ không phải nhạc sĩ. Nhưng nhờ bước chuyển này mà ông đã "nên duyên" với âm nhạc như một sự sắp đặt chủ ý của số phận.
"Ở thời điểm đó, chúng tôi làm công tác chọn lọc và giới thiệu các tác phẩm âm nhạc trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam nên được nghe rất nhiều bài hát và được tiếp cận với âm nhạc của các bậc tiền bối. Đầu tiên là chúng tôi tiếp cận với các bài hát thiếu nhi. Năm 1965, tôi viết bài "Em đố mẹ em" trong cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ở miền Bắc. Đây là bài hát đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác của tôi.
Cũng trong năm này, tôi viết "Giải phóng quân ra đi" là bài hát viết trong chuyến đi thực tế ở Quảng Trị khi tôi nhìn thấy hình ảnh những chiến sĩ đi vào chiến trường không phải theo từng đoàn quân mà đi trong thầm lặng. Trong bài hát này, tôi không mô tả đoàn quân mà viết về thế giới nội tâm ở phía sau. Khi viết về một trận đánh, chúng tôi không bao giờ mô tả một trận đánh mà viết lên những ước mơ, khát vọng của cả một đất nước, một dân tộc.
Khi nhắc tới nhạc sĩ Văn Dung, nhạc sĩ Cát Vận đã nói: "Nhạc sĩ Văn Dung rất có năng khiếu về mặt âm nhạc. Chính sự nhanh nhạy của một nhà báo đọc nhiều, đi nhiều, hiểu nhiều, có mối quan hệ rộng rãi, đã cho nhạc sĩ một lượng thông tin và cảm xúc nhất định để viết báo và sáng tác âm nhạc".
Trong chuyến thực tế vào chiến trường ở Đường 9 Nam Lào cùng các nhạc sĩ Lê Lôi, Tô Hải, Hồng Đăng, Chu Minh… tôi viết nên "Bài ca Đường 9 chiến thắng". Đó là khi chúng tôi thấy sự sống và cái chết cận kề nhau, ttrước mặt là bom, pháo sáng, xe cháy hàng cháy, người hy sinh, sự hủy diệt…
Anh công binh mặc áo giáp, người lái xe mặc áo giáp nhưng cô giao liên chỉ có khăn dù cầm cọc tiêu. Và chỉ trong chốc lát tôi đã viết "Bài ca Đường 9 chiến thắng" nên với những tiếng reo vui để xua tan đi những ám ảnh đó. Câu mở đầu của bài hát đã là tiếng reo vui của cả đất nước về tin thắng trận, hướng tới khát vọng hòa bình: "Em nghe tin vui bên Đông Trường Sơn. Em nghe tin vui bên Tây Trường Sơn".
Nếu không ở mặt trận thì không thể nhìn thấy các cô thanh niên xung phong. Bài hát "Đường Trường Sơn xe anh qua" với những câu "Ơi cô gái Trường Sơn, bao đêm em đi mở đường, cho từng chuyến xe anh qua, vang giọng hát em ngân xa…" là bởi thời điểm đó chiến tranh khốc liệt, mỗi ngày ra đường đã thấy sự hy sinh cần kề. Biết bao thế hệ thanh niên xung phong đã ngã xuống để chúng tôi viết được những nốt nhạc như vậy nên tôi viết với tất cả lòng tri ân".
Theo nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường, mặc dù chưa một ngày đứng trong hàng ngũ của Đảng nhưng trái tim và lý tưởng của nhạc sĩ Văn Dung luôn dành trọn cho Đảng, cho Bác Hồ kính yêu, thể hiện qua các ca khúc: Đường ta đi có Đảng vinh quang, Những bông hoa trong vườn Bác, Pắc Bó còn ấm tình Bác.
Và ông cũng là người hăng say với công tác Đoàn ngay từ còn trẻ. Ông hiểu được lý tưởng của tuổi thanh xuân nên ca khúc nổi tiếng của "Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh" đã được ông sáng tác chỉ trong chưa đầy 3 giờ...
"Những bông hoa trong vườn Bác" do NSƯT Bích Việt thể hiện. Clip: NCMTC.
Nhạc sĩ Văn Dung còn viết nhạc cho vở rối "Hai cây phong" và phim truyện nhựa "Mê Thảo – thời vang bóng". Trong lời giới thiệu bộ phim này ở Pháp, có đoạn viết: "Âm nhạc mà người ta nghe thấy trong phim có một vai trò động lực: nó mở và đóng không gian của câu chuyện. Qua hai cảnh âm nhạc có độ cảm xúc và hiệu quả tự sự tuyệt hay, người xem phương Tây có thể chìm đắm vào cõi âm nhạc cổ Việt Nam, nơi tiếng đàn hòa quyện thanh tao vào tiếng hát, mang tính xác thực của bản sắc văn hóa Việt".
Vì những đóng góp to lớn cho âm nhạc nước nhà, nhạc sĩ Văn Dung đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 1 năm 2001 và các giải thưởng khác: Huân chương Lao động hạng nhì, Huy chương Vì thế hệ trẻ...
Nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng bộc bạch: "Từ chỗ là người làm công tác báo chí, anh Văn Dung đi khắp nơi. Mỗi nơi anh đến đều để lại cho anh những cảm xúc rất tươi mới. Đối với thiếu nhi anh ấy cũng có bài hát, đối với thanh niên anh ấy cũng có sáng tác. Sức trẻ trong bài hát anh viết của anh Văn Dung đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ thanh thiếu niên và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo quần chúng".
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam chia sẻ rằng, khi âm nhạc của nhạc sĩ Văn Dung cất lên, lời ca và giai điệu luôn khiến người nghe cảm thấy ấm áp, hào sáng và đầy sự lạc quan.
Nhạc sĩ Văn Dung nên duyên với bà Lê Tuyết Nhung, có hai người con, một trai, một gái. Sự ra đi của ông dù đã biết trước nhưng vẫn khiến cho người bạn đời và các con cháu của ông cảm thấy đau đớn, mất mát.
Người nhạc sĩ đã một đời tận hiến cho âm nhạc cách mạng khuất núi nhưng nụ cười hiền hậu và giọng nói ấm áp của ông thì sẽ còn đọng mãi. Đặc biệt, âm nhạc của ông sẽ sống mãi với thời gian bởi đó là những khát vọng – tiếng reo vui – sức trẻ của dân tộc, của lớp lớp người Việt Nam.
Đúng như nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường bộc bach: "Ông đi xa nhưng hôm nay và mãi mãi về sau, những ca ca khúc ông sẽ vẫn vang xa, ngân vọng cho mọi thế hệ mai sau. Như một dòng thác âm nhạc tuôn tràn về khắp các ngõ ngách của tâm hồn chúng ta". Vĩnh biệt nhạc sĩ Văn Dung!
Bài viết Âm nhạc của Văn Dung cất lên, lòng ta thấy ấm áp, hào sảng và lạc quan đến lạ! được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này
No comments