Nhạc sĩ Cát Vận: “Nhạc sĩ Văn Dung có vợ là ca sĩ nổi tiếng Tuyết Nhung sống rất đôn hậu, yêu chồng yêu con”
Nhạc sĩ Cát Vận có hơn 30 năm làm việc chung với nhạc sĩ Văn Dung ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Chính họ là những người đã cống hiến một thời tuổi trẻ cho âm nhạc trên sóng phát thanh qua từng dấu mốc lịch sử. Ngoài ra, gia đình nhạc sĩ Cát Vận và gia đình nhạc sĩ Văn Dung còn từng là hàng xóm chung vách khi ở khu tập thể của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Nhiều năm qua, dù về nghỉ hưu và tuổi đã cao nhưng họ vẫn dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp. Có lẽ vì thế mà dù đang trong thời gian điều trị Covid-19, sức khỏe yếu, ho liên tục… nhưng khi phóng viên Dân Việt liên hệ để phỏng vấn về nhạc sĩ Văn Dung, nhạc sĩ Cát Vận đã rất nhiệt tình chia sẻ.
Nhạc sĩ Cát Vận từng có nhiều năm công tác chung với nhạc sĩ Văn Dung ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông có nhận xét gì về sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Văn Dung?
Nhạc sĩ Văn Dung hơi khác các nhạc sĩ công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam thời bấy giờ đó là ông ấy học báo chí ra chứ không phải học Nhạc viện. Tuy nhiên, bằng kiến thức thông tuệ Đông Tây kim cổ, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân và đặc biệt là sự tiếp xúc với âm nhạc của các nhạc sĩ nổi tiếng tiếng ở Đài (nhạc sĩ Phạm Tuyên, Hồ Bắc, Hoàng Vân…) nên ông đã sớm bén duyên với nghiệp sáng tác.
Vợ ông cũng là ca sĩ Tuyết Nhung – một giọng ca trong tốp nữ nổi tiếng một thời của sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam. Vì được sống trong môi trường âm nhạc đó nên nhạc sĩ Văn Dung đã sớm có những tác phẩm âm nhạc gây được ấn tượng trong lòng công chúng.
Âm nhạc của ông rất có phong thái và cá tính, còn gọi là bản sắc riêng. Bản sắc đó là của riêng ông chứ không ảnh hưởng từ bất kỳ nhạc sĩ tiền bối nào. Trong những bài nổi tiếng nhất của Văn Dung thì bài "Những bông hoa trong vườn Bác" là ấn tượng nhất. Đây là bài chính luận nhưng lại được miêu tả bằng bút pháp rất lãng mạn. Cách nhìn nhận đó đã giúp người nghe cảm nhận được sự gần gũi và giản đơn của người lãnh tụ kính yêu là Bác Hồ.
Ngoài ra, ông có hàng loạt ca khúc chính ca tạo dấu ấn sâu đậm như: Hành khúc thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Bài ca Đường 9 chiến thắng; Đường Trường Sơn xe anh qua… Ông công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam trên 40 năm và đã có rất nhiều tác phẩm âm nhạc sống cùng thời gian. Đặc biệt, ông cũng để lại rất nhiều dấu ấn của mình khi làm Trưởng phòng biên tập Âm nhạc qua các chương trình âm nhạc phát hàng ngày trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Về nghỉ hưu năm 1998, ông Văn Dung được bầu làm Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội.
Trong mắt nhạc sĩ Cát Vận, nhạc sĩ Văn Dung là người như thế nào?
Phải nói rằng, nhạc sĩ Văn Dung là người thông minh, uyên bác, nhanh nhẹn, tháo vát và sống chan hòa. Xuất hiện ở bất kỳ cuộc vui nào, ông cũng sẽ là "con át chủ bài" của mọi câu chuyện. Ông sống nồng nhiệt, tao nhã, tinh tế và xởi lởi nên anh em đồng nghiệp rất yêu quý.
Giữa nhạc sĩ Cát Vận với nhạc sĩ Văn Dung có những kỷ niệm gì đáng nhớ?
Tôi với ông Văn Dung làm việc chung với nhau hơn 30 năm. Vì thế, chúng tôi có nhiều kỷ niệm lắm, kỷ niệm từ những lần đi thực tế trong chiến trường, kỷ niệm khi đi về cơ sở để lấy chất liệu sáng tác cổ động tăng gia – sản xuất. Với tôi, ông Văn Dung là người rất nhiệt tình trong công tác hoạt động âm nhạc. Ông cùng với nhạc sĩ Trần Chung đã tạo được ấn tượng sâu đậm khi gầy dựng nên chương trình "Khắp nơi ca hát" trên sóng phát thanh. Chương trình này đã tạo nên cầu nối để công chúng đến gần hơn với âm nhạc. Ông Văn Dũng cũng là "mũi nhọn" của phong trào "Tiếng hát át tiếng bom" thời chiến tranh.
Ông cũng là người có công rất lớn trong việc tìm ra những giọng ca tiềm năng để bổ sung vào đội ngũ ca sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam thời bấy giờ. Đa số các ca sĩ chuyên nghiệp sau này đều từng được ông tìm thấy và giới thiệu từ các địa phương. Việc được đi nhiều nơi, được gặp nhiều người, được trải nghiệm nhiều vùng văn hóa… đã giúp cho nhạc sĩ Văn Dung có thêm nhiều chất liệu để sáng tác.
Ông Văn Dung là người tháo vát, không nài gian khổ, không nài khó khăn, lúc nào cũng nồng nhiệt, vui tươi.
Được biết, gia đình nhạc sĩ Cát Vận từng ở chung vách với gia đình nhạc sĩ Văn Dung trong khu tập thể của Đài Tiếng nói Việt Nam. Chắc ông cũng biết khá rõ về ca sĩ Tuyết Nhung – vợ nhạc sĩ Văn Dung?
Thời xưa, chúng tôi là hàng xóm của nhau, đều ở chung trong khu tập thể của Đài. Hồi đó, mỗi gia đình được phân một căn hộ tập thể chỉ có một phòng duy nhất. Tất cả các thành viên trong gia đình, từ vợ chồng, con cái… đều sống chung trong không gian nhỏ hẹp đó.
Bà Tuyết Nhung – vợ ông Văn Dung là người xởi lởi, vui vẻ và rất hồn nhiên. Chồng có thể đi vắng suốt vì công việc được giao nhưng một tay bà quán xuyến hết. Bà ấy cũng sống rất đôn hậu, vì chồng, vì con và đúng nghĩa là "hậu phương" của chồng.
Mỗi lần ông Văn Dung sáng tác được bài hát mới thì thường hát cho bà Tuyết Nhung nghe, bà ấy nghe xong lại góp ý để chồng hoàn thiện bản nhạc trước khi được thu thanh.
Nhạc sĩ Cát Vận có nhớ, bài hát nào của nhạc sĩ Văn Dung được vợ mình là ca sĩ Tuyết Nhung thể hiện thành công?
Thời gian đã qua lâu lắm rồi, tôi cũng lớn tuổi rồi nên trí nhớ không còn được minh mẫn như xưa, không nhớ được bà Tuyết Nhung từng thể hiện thành công ca khúc nào của ông Văn Dung. Nhưng ngày xưa bà Tuyết Nhung là người lĩnh xướng bài "Bài ca Đường 9 chiến thắng" do tốp ca nữ Đài Tiếng nói Việt Nam trình bày năm 1972 – 1973.
Bà ấy có giọng hát rất ấn tượng và là thành viên nồng cốt của tốp nữ của Đài Tiếng thời bấy giờ. Phần lớn các bài hát của các nhạc sĩ đều do các giọng ca trong tốp ca này thể hiện rồi phát trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam đến các thính giả gần xa.
Cảm ơn nhạc sĩ Cát Vận đã chia sẻ thông tin.
Bài viết Nhạc sĩ Cát Vận: “Nhạc sĩ Văn Dung có vợ là ca sĩ nổi tiếng Tuyết Nhung sống rất đôn hậu, yêu chồng yêu con” được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này
No comments