Tuổi thơ không có 3 điều cơ bản, chàng trai giành học bổng 2,2 tỷ: Cuộc sống hiện tại khó tin
"Chào bạn. Mình là Hoàng, mắt mình mù nhưng tâm mình sáng" – là câu nói quen thuộc ai cũng nhớ ngay khi bước vào kênh TikTok của Hoàng Sáng Tâm (quê Hà Tĩnh). Loạt nội dung truyền cảm hứng trên kênh của Hoàng đang viral cực mạnh trên TikTok.
Hoàng khiếm thị ở cả hai mắt, thế nhưng bước vào vào trang cá nhân, người ta ít khi dành sự thương xót cho anh chàng bởi nghị lực sống cũng như ý chí lạc quan của anh quá lớn.
Hành trình từ cậu bé khiếm thị đến nhận học bổng toàn phần 2,2 tỷ đồng của ĐH Fulbright
Hoàng mở đầu câu chuyện của mình thế này:
"Tuổi thơ của mình không có 3 điều cơ bản của cuộc sống.
Thứ nhất, mình không có bố. Mẹ mình là single mom.
Thứ hai, gia đình mình không giàu. Mình sinh ra ở vùng quê đầy nắng và gió. Người ta thường gọi là "chó ăn đá, gà ăn sỏi".
Thứ ba, mình không nhìn thấy ánh sáng. Năm lên 5 tuổi, mắt mình mờ dần. Sau hàng chục lần đến các bệnh viện, hàng trăm lần thăm khám thì đến năm 10 tuổi, mắt mình hoàn toàn không nhìn thấy gì nữa.
Mình kể những điều này không phải là than khổ vì mọi thứ đã diễn ra trong quá khứ. Mình cũng không định xin xỏ ai cả. Hiện tại mình đã tốt nghiệp cử nhân ngành Khoa học Máy tính tại đại học Fulbright. Mình cũng đang có một công việc ổn định, hạnh phúc bên gia đình. Nhìn lại thì cuộc sống không lấy đi của ai hết cái gì, mất cái lọ thì được cái chai. Chào bạn, mình là Hoàng, mắt mình mù nhưng tâm mình sáng".
Hành trình từ cậu bé khiếm thị đến nhận học bổng toàn phần 2,2 tỷ đồng
Hoàng sinh ra trong một gia đình nghèo ở Hà Tĩnh, mẹ là single mom và một mình nuôi 2 anh em. Năm lên 4 tuổi, trong một lần chơi ở ngoài sân thấy đàn kiến bò qua, Hoàng cúi rạp người xuống thật gần để nhìn cho kĩ. Đó là dấu hiệu đầu tiên mẹ Hoàng biết mắt của con trai không bình thường.
Mẹ liên tục đưa cậu bé đi khắp các bệnh viện, khám nhiều đến nỗi mà bác sĩ trưởng khoa còn mắng: "Mắt con có bị gì đâu mà cứ đi khám hoài thế".
Đến năm 5 tuổi, có một đoàn bác sĩ ở bệnh viện Trung ương đi về huyện tổ chức khám miễn phí. Tưởng chỉ là cuộc thăm khám bình thường, thế nhưng hai mẹ con như sét đánh ngang tai khi nhận kết quả Hoàng bị "bong võng mạc giai đoạn cuối".
Ngay trong đêm đó, hai mẹ con bắt chuyến xe từ Hà Tĩnh ra Hà Nội chữa trị. Sau đó ròng rã suốt 6 năm trời là 4 ca phẫu thuật lớn, hàng trăm lần vào bệnh viện và thăm khám khắp cả nước. Thế nhưng nỗi tuyệt vọng vẫn nối tiếp khi lần nào phẫu thuật xong, mắt Hoàng cứ mờ dần đi. Cho đến năm 10 tuổi, mắt cậu hoàn toàn không nhìn thấy gì nữa.
Đó cũng là thời điểm cuộc đời Hoàng bước sang giai đoạn mới, không còn nhìn thấy ánh sáng. Khi chưa hết nỗi đau lòng khi mắt con không còn nhìn thấy được, hai mẹ con Hoàng lại thêm đau đầu khi không thể tìm được trường cho con.
"Sau lần phẫu thuật đấy, tưởng chừng cánh cửa trường học đã đóng lại. Bước ngoặt đến với mình khi cô chú ở hội người mù trên huyện đã đến động viên, dạy chữ nổi cho người khiếm thị. Sau vài tuần thì mẹ bắt đầu tìm trường, ở quê lẫn trường chuyên dạy trẻ khiếm thị. Tuy nhiên không một nơi nào nhận. Sau 1 năm, dưới sự tác động của phòng giáo dục huyện thì mình mới được đi học trở lại", Hoàng nhớ lại.
Những ngày mới khiếm thị đối với Hoàng là hành trình dài để vượt qua ánh nhìn kì thị của mọi người. Hoàng còn nhớ năm học lớp 4, mình bị kì thị rất nhiều khi thị lực chỉ còn 1/10.
"Có đứa bạn cứ đứng từ xa hét lên thằng mù. Mình tủi thân và uất ức lắm, nhưng càng rượt đuổi thì nó càng hét lên thằng mù. Lúc đó mình không thể chia sẻ với ai, chỉ ước mắt mình sáng hơn chút để đuổi kịp mà đánh.
Nhưng giờ ai bảo thằng mù, mình sẽ bảo lại "uh, tôi mù mà". Nói vậy thôi chứ đó là hành trình dài từ chấp nhận đến yêu thương bản thân. Giờ mình coi mắt mù như một đặc tính thật đặc biệt của bản thân vậy đó", Hoàng tâm sự.
Thời đi học, Hoàng không cho phép lấy việc khiếm thị trở thành lý do để mình lười biếng. Anh chàng luôn duy trì thành tích đứng đầu lớp. Người ta thường khuyên người khiếm thị học các môn Xã hội sẽ dễ dàng hơn các môn Tự nhiên. Nhưng Hoàng vẫn chọn theo học Toán, Lý, Hoá, thậm chí còn chọn Khoa học Máy tính - một ngành mà nhiều người cho rằng người khiếm thị không thể học được.
Nhờ những nỗ lực học tập của mình nên sau khi học xong cấp 3, anh chàng đã đỗ vào ngành Khoa học Máy tính tại ĐH Fulbright với học bổng toàn phần là 2,2 tỷ đồng cho 4 năm học.
"Mình biết thống kê có rất nhiều người theo đuổi ngành Khoa học máy tính ở nước ngoài. Thế nhưng ở Việt Nam, trước mình chỉ có 2 anh khiếm thị từng học ngành này thôi. Cả 2 anh sau đó đều làm việc ở các tập đoàn lớn.
Mình nghĩ điều này đến từ định kiến khi cho rằng người khiếm thị khó tiếp cận với công nghệ. Nên mình học ngành này cũng muốn truyền cảm hứng giúp người khiếm thị dám học hơn. Hiện tại mình đang giúp đỡ 40 người bạn khiếm thị khác theo học các khoá lập trình cơ bản và nâng cao rồi", Hoàng chia sẻ lý do đặc biệt khi học ngành này.
"Người ta thường nhìn vào những gì không có. Nhưng mình nhìn vào bản thân và những gì đang có"
Hiện tại, Hoàng đang có công việc mà nhiều người mong ước là làm trong lĩnh vực IT tại một công ty ở TP.HCM có mức thu nhập tốt.
Cũng như nhiều người khiếm thị khác, Hoàng từng nhận được nhiều ánh nhìn thương xót của mọi người: "Không nhìn thấy gì chắc buồn lắm". Nhưng anh chàng lại có góc nhìn khác. "Mình vẫn còn nhiều thứ có thể sử dụng như đôi tay khoẻ, đôi chân lành lặn. Người ta thường nhìn rồi buồn thay mình vì những gì không có. Nhưng mình nhìn vào bản thân, cảm thấy hạnh phúc vì những gì đang có. Mình tin mọi sự diễn ra thì đều có lý do của nó".
Chính nhờ suy nghĩ lạc quan này đã giúp Hoàng luôn có góc nhìn tích cực về mọi thứ xung quanh. Anh học kiến thức công nghệ thông tin, tiếp xúc với máy tính nhờ những phần mềm chuyên dùng cho người khiếm thị. Anh học chữ nổi, tập gõ bàn phím cơ, học quen dần với việc cảm nhận thông qua giọng nói.
Hay điển hình như việc đi lại, anh chàng khiếm thị nên không thể tự mình lái xe. "Nhiều bác xe ôm hỏi mình không sợ bị lừa tiền khi bắt xe à. Mình sợ chứ, nhưng nỗi sợ giúp mình sống cẩn thận hơn. Thay vì dùng tiền mặt thì mình chủ yếu chuyển khoản và sử dụng thẻ. Khi bắt buộc phải dụng tiền mặt thì mình thường xếp các tờ tiền mệnh giá giống nhau cho dễ sử dụng", Hoàng nói.
Hoàng từng chinh phục đỉnh Phan - Xi - Păng.
Không vì khiếm thị mà Hoàng ngại khám phá những điều xung quanh. Vài năm trước, Hoàng đã thành công chinh phục đỉnh Phan – Xi – Păng - lại thêm một điều mà tưởng chừng người khiếm thị không thể làm được.
"Mình nghĩ nếu cứ chọn con đường dễ đi thì chắc bản thân không có được cuộc sống hiện tại. Không phải lúc nào mình cũng nhìn thấy cơ hội trong thử thách nhưng nhờ sự lạc quan sẽ giúp mình khác biệt đi", Hoàng rút ra bài học cho sự mạnh mẽ của mình.
No comments