Gửi tiết kiệm 28 triệu đồng với lãi suất 10%/năm, 20 năm sau, ông cụ đến ngân hàng rút tiền thì được thông báo: "Chúng tôi chưa từng đưa ra mức lãi suất đó"
Năm 2003, chú Vương ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, đến ngân hàng địa phương để gửi khoản tiền tiết kiệm là 8.000 NDT (hơn 28 triệu đồng). Khi đó, nhân viên giao dịch là Tiểu Lý cho biết ngân hàng của họ đang tung ra chiến dịch tiết kiệm lãi suất cao. Do đó, nếu chú Vương tham gia sẽ được hưởng khoản lãi vô cùng lớn.
"Lãi suất tiền gửi của ngân hàng đang ở mức cao nhất, lên tới 10%/năm. Nếu chú gửi tiết kiệm trong 20 năm, khi đáo hạn có thể nhận được 102.600 NDT (hơn 357 triệu đồng)",nhân viên Tiểu Lý nói.
Chú Vương nghe vậy thì rất vui mừng, nghĩ bụng với khoản tiền tiết kiệm này, vợ chồng ông sẽ không phải lo nghĩ về tiền dưỡng già nữa. Quyết không bỏ lỡ cơ hội tốt như vậy, chú Vương lập tức gửi toàn bộ tiền tiết kiệm vào ngân hàng này. Sau khi ký hợp đồng, nhân viên Tiểu Lý cũng không quên dặn ông cụ này phải giữ gìn những giấy tờ liên quan để thuận tiện cho việc rút tiền vào 20 năm sau.
Thời gian thấm thoắt trôi qua, kỳ hạn 20 năm cũng đã đến. Đầu năm 2023, chú Vương mang giấy tờ đến phòng giao dịch ngân hàng năm đó để rút tiền. Nhân viên thu ngân Tiểu Trương sau khi kiểm tra thông tin liền thắc mắc: "Chú ơi, giấy tờ của chú hình như có vấn đề gì đó. Ngân hàng chúng cháu chưa bao giờ đưa ra mức lãi suất lên đến 10%/năm."
Nghe nhân viên nói vậy, chú Vương tỏ ra lo lắng: "Sao lại thế được! Rõ ràng vào 20 năm trước, nhân viên của ngân hàng này đã làm thủ tục gửi tiền cho tôi mà."
Tiểu Trương giải thích: "Cháu đã kiểm tra hồ sơ gửi tiền, đúng là chú từng gửi 8.000 NDT vào ngân hàng. Thế nhưng theo mức lãi suất thực tế lúc đó, tổng số tiền gốc và lãi mà chú nhận được sau 20 năm là 9.600 NDT ( hơn 33 triệu đồng) chứ không phải 102,600 NDT. Có thể lúc đó, thông tin mà nhân viên ngân hàng cung cấp cho chú có sai sót. Hiện tại, chúng cháu chỉ có thể hoàn trả cho chú số tiền dựa trên lãi suất thực tế của ngân hàng."
Thấy số tiền kỳ vọng bị tụt xuống hơn 10 lần, chú Vương vô cùng tức giận. Ông cho rằng ngân hàng đã lừa dối mình và khởi kiện đơn vị này ra toà án địa phương.
Sau khi tiếp nhận vụ án, toà án xác định trọng tâm của vụ việc này là xác minh hợp đồng tiền gửi có lãi suất cao 10% được ký kết giữa chú Vương và ngân hàng liên quan có hợp lệ hay không. Xét theo quy định của pháp luật, lãi suất tiền gửi lên đến 10%/năm được nêu ra trong hợp đồng giữa ngân hàng và chú Vương đã vượt quá giới hạn lãi suất tiền gửi do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc quy định. Do đó, hợp đồng trên bị vô hiệu.
Trong vụ việc này, toà án cho rằng nhân viên của ngân hàng đã phạm sai lầm khi cung cấp sai thông tin hoặc có hành vi lừa dối khách hàng. Do đó, phía ngân hàng cũng có một phần trách nhiệm trong vụ việc này.
Dựa trên những phân tích trên, cuối cùng tòa án đã đưa ra phán quyết bác bỏ yêu cầu ngân hàng phải trả tiền gốc và lãi của khoản tiền gửi 102.600 NDT của chú Vương. Đồng thời yêu cầu ngân hàng phải tính toán tiền gốc và lãi dựa trên số tiền gửi ban đầu là 8.000 NDT và lãi suất chuẩn cho các khoản tiền gửi cùng kỳ hạn tại thời điểm đó. Kết quả, ngân hàng phải trả cho chú Vương 12.800 NDT (gần 49 triệu đồng) và khoản tiền 5.000 NDT (hơn 17 triệu đồng) tổn thất về tinh thần.
Qua vụ việc này, toà án cho rằng các ngân hàng cần siết lại quy trình giao dịch, đặc biệt là quy trình giao dịch với khách VIP, để đảm bảo tiện lợi và hạn chế được rủi ro. Ngoài ra, ngân hàng thương mại cũng phải tăng cường kiểm soát nội bộ chặt chẽ hơn. Với khách hàng, trước khi giao dịch với ngân hàng cần tìm hiểu thật kỹ thông tin, các quy định, quy trình và cần thận trọng không nên tin tưởng bỏ qua các bước xác nhận cần thiết để hoàn thành giao dịch.
Bên cạnh đó, khách hàng cũng phải cảnh giác khi khi được nhân viên ngân hàng trao đổi riêng, chào mời lãi suất cao, giao dịch tại nhà hoặc giao dịch tại phòng riêng để tránh bị lợi dụng hoặc sập bẫy lừa đảo.
Theo Toutiao
No comments