Thấy gì khi nhìn sâu vào loạt bê bối tình ái dậy sóng trên mạng?
"Mình chia tay rồi. 5 năm yêu đương người ta tặng mình một 'cái sừng' to đùng. Mình không biết làm sao để sống tiếp nữa…".
"Hôm nay em lên phốt này để gửi đến chị A. bạn gái cũ của người em đang tìm hiểu hiện tại. Tại sao chia tay rồi chị vẫn nhắn tin quan tâm, vẫn rủ anh đi xem phim, thậm chí còn tìm hiểu hiện tại có hạnh phúc không? Nếu chị còn quan tâm anh như vậy thì sao lại chia tay ạ".
"Mình mệt mỏi quá mọi người ạ, mình chia tay vợ rồi, sau 1 năm kết hôn vì phát hiện cô ấy có tình cảm với bạn thân của mình, chúng mình còn chơi chung nhóm".
Có thể bạn cảm thấy đã quá quen thuộc với những câu chuyện được mở đầu như thế này. Đó lại là kết thúc của một mối quan hệ đã từng rất đẹp với ai đó. Khắp các nền tảng MXH, chuyện yêu đương rồi chia tay, vừa kết hôn đã ly hôn, "phốt" tiểu tam ầm ĩ khiến netizen cảm thấy: Rồi giờ mình có nên yêu ai đó không? Sao sợ hãi nhân sinh quá!
Sự "hỗn loạn" ấy được các chuyên gia nhìn nhận thấu đáo hơn. Họ đánh giá một drama tình ái bằng con mắt của những "người có nghề" và nhận ra những chuyện hỉ nộ ái ố ấy là một diễn tiến tất yếu. Ai rồi cũng có nhu cầu được kể ra - nêu lên những thất vọng của mình để giải tỏa những thiệt thòi, "không việc gì phải nhịn", tìm kiếm sự bênh vực từ bên ngoài.
Thậm chí, chuyện chia tay, ly hôn còn được bình thường hoá như quyết định "nhảy việc".
Sơ hở là tung "phốt": Tâm lý quân bài domino
"Ngày trước, vun đắp, cam chịu mọi nốt trầm trong một mối quan hệ tình cảm hay hôn nhân dường như là con đường duy nhất. Bây giờ thì các couple có nhiều lựa chọn hơn, nên những vụ ly hôn khi tình yêu không êm đẹp cũng gia tăng. Hiện tượng này cũng tương tự với "nhảy việc" ở trên thị trường lao động", thạc sĩ Nguyễn Hải Uyên đưa ra nhận định về chuyện yêu vội - chia tay gấp của những người trẻ.
Đào sâu vào những khía cạnh tâm lý đằng sau những mối quan hệ "dễ vỡ", cô cho biết nỗi lo bị bỏ rơi từ những ám ảnh tâm lý trong quá khứ có thể khiến chúng ta có những hành vi độc hại với đối tác.
"Đầu tiên, rất nhiều bạn trẻ vì những gắn bó tâm lý không lành mạnh trong quá khứ nên luôn cần có cảm giác phụ thuộc vào người khác, muốn được yêu thương. Ngay khi mối quan hệ gặp trục trặc, họ lo lắng mình sẽ bị bỏ rơi và ngay lập tức đi tìm đối tượng khác mang cho họ cảm giác an toàn hơn.
Một cách thể hiện khác của nỗi lo bị bỏ rơi là cảm giác chinh phục. Nhiều người bước vào mối quan hệ chỉ vì muốn có cảm giác làm chủ người khác để đàn áp nỗi lo của bản thân. "Chinh phục" xong một mối tình, họ đến với mối tình khác. Cuối cùng là nỗi sợ xác lập mối quan hệ chính thức, né tránh kết hôn hoặc không thể chịu nổi một mối quan hệ dài lâu".
Naiverosie đưa ra nhận xét: "Yêu đương và kết hôn ngày xưa là chuyện cả đời, còn bây giờ với các bạn như lật trang sách, hết thì đổi người, thành ra vì những chuyện rất nhỏ cũng có thể dẫn tới chia tay, ly hôn, bóc phốt...tạo thành một thế hệ trông rất "dễ nổi nóng" "bồng bột" "thiếu chính kiến" "suy nghĩ tiêu cực" "ít sự cho đi" "không chịu trách nhiệm."
Cô cũng gắn những mối tình chóng vánh với nhiều yếu tố khách quan và chủ quan: "Tốc độ kết hôn - ly hôn chóng mặt này có thể do áp lực muốn bằng bạn bè, hay là dùng hợp đồng hôn nhân để ràng buộc đối phương nghiêm túc hơn trong chuyện tình cảm, tin rằng khi ở một cương vị mới thì sẽ thay đổi mình, bỏ đi thói hư tật xấu. Tình cảm lứa đôi cũng vì thế mà còn nhiều khúc mắc, chưa học được cách thấu hiểu, chia sẻ và thay đổi vì nhau, dễ nghĩ đến việc "kết thúc" cho xong chuyện, hoặc sinh ra tâm lý chán nản, muốn đi tìm người khác."
Song, cả hai nhân vật đều đồng tình chỉ ra yếu tố góp phần biến những nghi ngờ, cảm xúc tiêu cực thành một hành động chia tay, ly hôn là từ mạng xã hội.
Những mối tình chóng vánh đều kết thúc bằng một cú "phốt" ầm ĩ trên mạng. Cũng có không ít trường hợp, từ một cuộc cãi vã bé lại xé ra to, đến mức không thể cùng nhau giải quyết khi có người đem lên mạng trải lòng. Các thông tin tương tự xuất hiện liên tục khiến mọi người đều ngầm hiểu tỷ lệ tan vỡ hiện đang gia tăng chóng mặt.
Vì sao những thăng trầm trong đời sống tình cảm lại được người trẻ đem lên giải tỏa với mạng ảo? Đây là hành động "vạch áo cho người xem lưng" hay là đang tôn trọng chính những cảm xúc thực tế nhất của bản thân?
Trước câu hỏi đó, Naiverosie đáp "Ngày nay chúng ta có tiếng nói trên các phương tiện truyền thông hơn, có bình đẳng giới nên các bạn nữ cũng lên tiếng nhiều hơn, dám yêu dám bỏ nhiều hơn.", giới trẻ không còn e ngại, dè dặt và "không việc gì phải nhịn" trước những mâu thuẫn tình cảm.
Thạc sĩ Hải Uyên cho biết thêm: "MXH cho phép người ta thỏa mãn cơn giận vô hại hơn so với việc giải tỏa cảm xúc bằng cách "tương tác". Nhưng cái "vô hại" sẽ biến thành có hại khi họ dần hình thành tâm lý nạn nhân, vì muốn được bênh vực, bảo vệ mà đem quá nhiều chuyện hôn nhân lên mạng để người đời bàn tán."
Đem chuyện tiêu cực trong tình yêu lên chia sẻ trên mạng xã hội, khi diễn biến xấu đi, người liên lụy đâu chỉ có cặp đôi. Chính những thị phi đang gây liên lụy đến cả những người "hóng", họ "hoài nghi nhân sinh" trước những mối tình đẹp như mơ, nhưng khi tan vỡ chẳng khác nào một cơn ác mộng.
"Từ MXH, các bạn trẻ nhìn thấy những thông tin gợi ý, học kinh nghiệm. Một người làm thấy dễ, chia sẻ lên thì sẽ có nhiều người học theo." - Thạc sĩ Hải Uyên phân tích hiệu ứng tâm lý mà những bài đăng MXH để lại cho người đọc.
Naiverosie đồng tình nhắn nhủ mọi người hãy có trách nhiệm và chọn lọc hơn khi kể chuyện trên mạng: "Những thông tin đó thổi vào đầu người tiếp nhận sự nghi ngờ, giảm tin tưởng, mong muốn khám phá và tăng sự rụt rè trong tình yêu. Họ nghĩ, những nhân vật trên mạng chia tay được thì họ cũng chia tay được, bóc phốt drama được thì các bạn cũng làm được, giống như những quân bài domino đồng loạt ngã. Vậy nên thực sự mình rất muốn những nội dung drama trong hôn nhân được giảm thiểu nhất có thể."
Drama tình ái còn làm liên lụy đến cả những người thân trong gia đình. Naiverosie nhìn nhận việc "phốt" đối tác là con dao hai lưỡi: Một mặt hữu ích khi ta được giải tỏa những thiệt thòi, nhưng lưỡi dao sắc bén còn lại có thể gây hại đến ta chính là vết rạn trong tình cảm đôi lứa sau sự cố, khiến 2 bạn và cả những người thân xung quanh khó giữ tình cảm và mối quan hệ bình thường: "Họ hành động mà không nghĩ đến tương lai, mức độ thiệt hại cho mình và cả gia đình hai bên."
Không nhìn đâu xa, có những sự việc gần đây, từ mâu thuẫn vợ chồng đăng lên mạng với vài tình tiết dính dáng đến bố mẹ trong gia đình khiến họ rơi vào tầm chú ý thảo luận. Một số vị phụ huynh vì xót hình ảnh con cái bị bạn đời đem lên mạng bàn tán, lời qua tiếng lại với người đăng "phốt" cũng chịu không ít thị phi, đau đầu và mệt mỏi trước những bình luận chỉ trích từ cư dân mạng.
Đừng cố phân loại "cờ đỏ", "cờ xanh" mà hãy trả lời câu này: Từ khi bắt đầu mối quan hệ bạn có vui vẻ, khoẻ mạnh không?
Tình yêu khi hẹn hò sao đẹp và thơ mộng, nhưng khi thành đôi chính thức, lại đầy "chông gai" như vậy?
Thực ra, chông gai hay không là do bản thân mỗi người chọn lọc tiếp nhận thông tin tiêu cực - tích cực thế nào, Naiverosie khẳng định. "Hôn nhân là biến tình yêu thành tình thân, biến người xa lạ thành người trong nhà, biến người chỉ yêu cái tốt đẹp của bản thân trở thành yêu luôn cái xấu của mình. Có rất nhiều cảm xúc phải đương đầu, như sự nhàm chán của việc bên nhau mỗi ngày, trách nhiệm giải quyết vấn đề chung… Giá trị của hôn nhân là cùng đau khổ, cùng hạnh phúc, cùng trải nghiệm và cùng già đi."
"Tình yêu vẫn ở đó, kể cả sau đám cưới, sau sống chung" - Thạc sĩ Hải Uyên chia sẻ - "Nhưng hôn nhân có nhiều điều khiến tình yêu bị thể hiện khác đi như những căng thẳng, trách nhiệm"
Thực tế hôn nhân đặt ra nhiều vấn đề mới khiến tình yêu không chỉ còn là câu chuyện về cảm xúc. Người yêu, khi trở thành vợ chồng, phải cùng nhau chia sẻ những gánh nặng mới của một mối quan hệ chính thức hơn, lâu dài hơn, không thể tùy hứng.
Cũng vì thế, hôn nhân đòi hỏi sự trưởng thành hơn về tâm lý để có thể đối mặt với nhiều thách thức, làm sao để khiến bản thân mình và những người yêu thương an lòng trước những mâu thuẫn nhất định phải có.
Từ trải nghiệm sống và quá trình nghiên cứu, Naiverosie và Hải Uyên cùng đưa ra một số nhận định về những kiểu người hay tình huống mà bạn cần tỉnh táo để lựa chọn, đưa ra quyết định nhanh chóng nếu muốn có 1 mối quan hệ lành mạnh, hạnh phúc.
"Khi còn là người yêu, nếu cảm thấy đối phương không kiềm chế được cảm xúc khi nóng giận thì phải dừng lại ngay, đừng để kết hôn rồi mới nhận ra thì thiệt thòi nhất vẫn là mình, lúc này có phốt cũng không còn ý nghĩa gì nữa vì mình đã hứng chịu hết rồi." - Naiverosie nói.
Tìm hiểu trong những luồng thông tin liên quan đến "cờ đỏ" - một cụm từ để chỉ đối phương có những dấu hiệu cho thấy có khả năng sẽ làm tổn thương mình trong tương lai, các nhân vật nhìn thấy bộ phận người trẻ đang có dấu hiệu phớt lờ thay vì tránh xa.
"Trong một vài trường hợp, điều các bạn đang tìm kiếm là những người thường xuyên nói lời tình cảm, thể hiện sự thân mật, những người TỎ RA tôn trọng và si mê mình ở mức cao." - Hải Uyên cho biết.
Trái với cách đối phó của bộ phận người trẻ hiện tại, là theo sát từng hành vi, cử chỉ của đối phương, cố gắng phân loại thế nào là "cờ đỏ", "cờ xanh", Hải Uyên đưa ra lời khuyên: "Quá tập trung vào hành vi của người kia đôi khi đẩy các bạn đến tình trạng lo âu, hoài nghi trong tình yêu một cách nghiêm trọng. Thay vào đó, bạn cần tập trung nhận diện cảm xúc, sức khỏe, suy nghĩ của bản thân trước mỗi sự việc trong tình yêu, để từ đó xây dựng rõ cho mình ranh giới của sự cho đi và nhận lại.
Từ khi bắt đầu mối quan hệ mình được gì và mất gì, sức khỏe của mình thay đổi ra sao, đời sống tinh thần đã được ảnh hưởng như thế nào, cảm xúc dễ chịu hay cảm xúc khó chịu nhiều hơn. Ranh giới này mới là điều giúp các bạn tránh được những mối quan hệ độc hại hay tình trạng thao túng."
Trong những mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu và cả mâu thuẫn vợ chồng, nhân vật ít được đem ra chỉ trích nhưng lại có trách nhiệm rất lớn, chính là người đàn ông. Không thể nói người chồng, người con vô can trước những rạn nứt trong mối quan hệ giữa vợ và mẹ ruột. Tư duy và cốt cách của họ có vai trò quyết định phần nào mâu thuẫn được đẩy lên cao hay sẽ lắng xuống.
Tài chính cũng là một lưu ý hàng đầu. Nếu yêu một người có tài chính không tốt sẽ dễ dẫn đến những cuộc cãi vã thường trực về tiền bạc, vết nứt tình cảm hình thành âm ỉ đợi chờ ngày sụp đổ.
Những người không có khả năng lắng nghe, đồng cảm hay không giữ vững được lập trường trong mối quan hệ, cũng rất nguy hiểm. Nếu người yêu hiện tại không đáp ứng được 3 điều tối quan trọng trên thì họ khó mà trở thành người chồng đón đầu và lèo lái hạnh phúc qua sóng gió trong hôn nhân. Trước khi nghĩ đến kết hôn, bạn đời và bản thân phải vững chắc 3 điều trên.
Mượn lời thạc sĩ Hải Uyên để khép lại bài viết này - như một lời khuyên cho bạn khi đứng trước những rối ren tình cảm và không biết nên làm gì tiếp theo:
"Bạn hãy nghĩ về chiếc đèn giao thông. Khi đèn đỏ, hãy dừng lại, đừng làm gì ngoài tìm cách tạm thời rời khỏi tình huống, để giảm nguy cơ hành động gây hệ lụy cho bản thân và những người xung quanh. Khi đèn vàng, hãy chậm lại và suy nghĩ. Mình có thể làm gì với điều này? Ai có thể giúp mình, ai có thể nghe mình? Mình có những sự lựa chọn nào? Để khi đèn xanh, bạn có thể hành động điều những suy nghĩ mà mình đã thấu đáo."
No comments