"Viện dưỡng lão" thanh niên gây tranh cãi: Tiền thuê mỗi tháng 5 triệu đồng, người trên 45 tuổi không được ở
Mọi người vẫn hay nói, viện dưỡng lão là chốn an dưỡng cho tuổi xế chiều nhưng giờ đây một số nơi ở Trung Quốc, câu chuyện đã khác. "Viện dưỡng lão thanh niên" đang là trend "hot hòn họt", nơi mà các bạn trẻ chán chường cuộc sống xô bồ hiện đại có thể "nghỉ dưỡng" sớm, thảnh thơi tận hưởng cuộc sống không lo nghĩ. Bạn đừng ngạc nhiên nếu thấy bên cạnh quán cà phê xinh xắn lại mọc bên cạnh một "viện dưỡng lão" đầy tiếng ca hát và các trò giải trí nhé!
"Viện dưỡng lão thanh niên" đã mọc lên nhiều ở Trịnh Châu, Vân Nam, Trùng Khánh, Phợp Phì và nhiều nơi khác ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nó đã gây tranh cãi kể từ khi xuất hiện. "Viện dưỡng lão thanh niên" có thực sự cho phép những người trẻ sống một cuộc sống vô tư?
"Viện dưỡng lão thanh niên" ở đây không đơn thuần cấp nơi cư trú hoặc chăm sóc dài hạn, người sáng lập cũng cho biết có hai nhóm chính sống tại nơi này. Thứ nhất, những người làm nghề tự do đến đây để tăng cơ hội giao lưu. Thứ hai là những người trẻ vướng mắc trong công việc hoặc cuộc sống, muốn điều chỉnh và nghỉ ngơi một chút trước khi bắt đầu lại.
Dưới đây là chia sẻ của 3 người trẻ tuổi đã đến "viện dưỡng lão thanh niên". Họ chia sẻ những trải nghiệm sống ở đây với khoảng thời gian dài ngắn khác nhau.
01 - "Viện dưỡng lão" cho giới trẻ: Không nhận người trên 45 tuổi, thuê 5 triệu/tháng
Đây là lời tâm sự của Lục Bác - một trong những chủ nhân của viện dưỡng lão độc đáo này ở Vân Nam.
Chúng tôi không tiếp nhận những người trên 45 tuổi, cũng không tiếp nhận những người chưa từng đi làm. Ở đây, không ai yêu cầu bạn phải có một lịch trình sinh hoạt cụ thể, không có áp lực công việc, không có mâu thuẫn gia đình, bạn có thể "làm mọi thứ theo ý muốn của mình".
Tôi là người đầu tiên trong nước mở viện dưỡng lão cho giới trẻ. Tôi trước kia làm trong quân đội, sau khi ra khỏi quân ngũ đã ở Bắc Kinh hơn 10 năm, làm nhiều công việc khác nhau, luôn tiếp xúc với giới trẻ và suy nghĩ về cách sống của họ. Tôi thấy trong tin tức có một số bạn trẻ chuyển đến sống ở viện dưỡng lão dành cho người già và bắt đầu tự hỏi, nếu thay thế người già bằng người trẻ thì sẽ như thế nào?
Trong quá trình mở "viện dưỡng lão cho giới trẻ", tôi đã gặp phải rất nhiều sự chế nhạo, hoài nghi và không hiểu từ người khác: Người già thường nghĩ rằng chúng tôi đang lãng phí thời gian, nói rằng giới trẻ không chịu làm ăn mà chỉ biết ăn chơi; một số người trung niên lại cho rằng điều này sẽ khiến giới trẻ trở nên không chịu trách nhiệm với bản thân, gia đình, trở thành gánh nặng cho xã hội.
Nhưng tôi cho rằng áp lực mà giới trẻ hiện đại phải đối mặt quá lớn, nhiều người bị gánh nặng về khoản vay mua nhà, mua xe hoặc chi phí sinh hoạt hàng ngày đè nặng. Con người cần phải nghỉ ngơi, giới trẻ không chỉ cần phải nỗ lực mà còn cần một cuộc sống cân bằng, khi cần phải nghỉ ngơi thì cứ nằm im và thư giãn.
Vào tháng 10/2022, quyết định thực hiện việc này, tôi muốn để mức giá thấp nhất để cho những người trẻ muốn nghỉ ngơi có thể tận hưởng cuộc sống tự do trong môi trường thoải mái. Chúng tôi chọn địa điểm tại làng Mãn Đường Cổ ở Tây Song Bản Nạp vì hai lý do: Chi phí có thể kiểm soát được và môi trường ở Tây Song Bản Nạp tốt cho sức khỏe và hồi phục, nằm giữa núi non, bên dòng nước và người dân vùng lân cận rất mộc mạc, chất phác.
Viện dưỡng lão cho giới trẻ trước đây là ký túc xá của một trường học, tiền thuê mỗi năm là 80 nghìn tệ/năm (khoảng 280 triệu đồng/năm), trước khi cải tạo nó đầy rác và tồi tàn. Việc cải tạo nhà cũ thực sự rất khó khăn, vào thời kỳ đầu khai hoang, việc cắt cỏ, trồng cây, cải tạo khung sườn, tất cả đều tự làm, cuối cùng tốn gần 450 nghìn tệ (khoảng 1,5 tỷ đồng) để cải tạo ra 12 phòng.
Không gian tổng cộng có 2 tầng khoảng 700m2. Tầng hai làm sân thượng, mở cửa sổ ra là có thể thấy cây cối, thiên nhiên. Chúng tôi đã xây dựng một nhà bếp rất lớn, đủ cho sáu hoặc bảy người đứng làm việc cùng một lúc. Thông thường, chúng tôi sẽ xếp nhóm nhỏ để mọi người cùng mua sắm và nấu ăn, chi phí tiêu dùng sẽ được chia đều theo số lượng người tham gia, nếu không muốn ăn cùng nhóm cũng có thể tự nấu cho mình.
Khi chúng tôi mới bắt đầu xây dựng viện dưỡng lão cho giới trẻ, chúng tôi cũng đang mò mẫm từng chút một, không chỉ cung cấp một chiếc giường hay một không gian, mà còn hy vọng rằng những người trẻ ở đây có thể có những ý tưởng khác nhau khi sống ở đây.
Cho đến nay, viện dưỡng lão cho giới trẻ đã đi vào hoạt động được hơn một năm, với số lượng người ở thường xuyên từ 10 đến 15 người, những người đến đây chủ yếu là thế hệ 9x, cũng có một số người thế hệ 10x và 8x. Ban đầu tôi nghĩ sẽ có khá nhiều người làm nghề tự do đến đây, nhưng kết quả lại thấy rằng những nhân viên văn phòng càng muốn đến đây nhiều hơn, họ chủ yếu muốn tạm dừng lại để nghỉ ngơi một cách tốt nhất.
Những người đến đây cũng có một chút "rào cản", đó là người trên 45 tuổi không lựa chọn ở đây, họ thường chỉ ở lại vài ngày rồi phải về quê giúp đỡ gia đình càng sớm càng tốt, thực sự mất đi ý nghĩa của việc đến đây; cũng có những người vừa ra trường mà chưa từng đi làm một ngày nào, chỉ biết ngồi im và thở dài, chúng tôi cũng không khuyến khích họ đến đây.
Nếu vào mùa thấp điểm, giá ở là khoảng 1.500 tệ một tháng (khoảng 5.2 triệu đồng), chúng tôi còn cung cấp "làm việc thiện nguyện để đổi lấy chỗ ở", làm một số công việc dọn dẹp để đổi lấy phí chỗ ở.
Điều này cũng liên quan đến trải nghiệm của bản thân tôi, hồi trước tôi chỉ có chưa đến 100 tệ (khoảng 350 nghìn đồng) trong người, tôi đã quyết định "du lịch bụi" khắp Trung Quốc, xuất phát từ Bắc Kinh. Trên đường đi tôi đổi lấy chỗ ở qua việc làm việc bán thời gian hoặc công việc ngắn hạn để kiếm tiền đi đến điểm đến tiếp theo. Đa số những người trẻ đến viện dưỡng lão sẽ tắt điện thoại của họ, không xem máy tính, và trong khoảng thời gian này không làm bất kỳ công việc nào, chỉ để tâm hồn trống rỗng và giao tiếp với mọi người.
Phần lớn mọi người sẽ thức dậy sau 7 giờ sáng, đi chạy bộ một chút, và một số ít người sẽ ngủ đến trưa. Chúng tôi cũng tổ chức một số hoạt động, chẳng hạn như tập Bát Đoạn Cẩm, trồng trọt, đi bộ đến thác nước, học võ thuật hoặc thiền định cùng nhau, vào buổi tối tổ chức buổi hòa nhạc, đánh đàn guitar, chơi trống tay...
Những người làm việc văn phòng trước đó khi đưa họ đi trồng trọt, ban đầu họ còn phản đối tiếp xúc với đất, nhưng khi chân họ bắt đầu chìm trong bùn, họ có thể hoàn toàn mở lòng mình, đội nón lá hào hứng cả ngày trong đồng ruộng; chúng tôi đi xe ba gác đi hái quả, mọi người luôn nghĩ rằng mọi thứ đều phải trả tiền, nhưng người dân trong làng lại rất nhiệt tình, nói rằng bạn chỉ ăn một quả của nhà tôi mà thôi, tại sao lại phải trả tiền? Trong thành phố lớn, mọi người luôn dùng tiền để đổi lấy mọi thứ, nhưng khi trở lại với môi trường nông thôn như thế này, họ có thể nhận được nhiều niềm vui hơn.
Tôi nghĩ rằng "viện dưỡng lão thanh niên" thực chất phản ánh một nhu cầu tinh thần mới của giới trẻ hiện nay, họ không muốn làm việc, không muốn kết hôn, không muốn mua nhà, không muốn sinh con, bước vào một giai đoạn có ít ham muốn. Họ cần một nơi để không phải làm gì cả.
Đồng thời, trong xã hội vội vã này, nhiều người trẻ cảm thấy cô đơn hoặc thiếu cảm giác thân thuộc. Chúng tôi tổ chức các hoạt động tập thể và cuộc sống cộng đồng để tăng cường mối kết nối giữa mọi người. Như thế hệ 9x là thế hệ con một, họ phải đối mặt với vấn đề về chăm sóc người già trong tương lai, viện dưỡng lão cho giới trẻ cũng là cách để mọi người có thể trải nghiệm việc "tìm kiếm sự ấm áp của tập thể" trước. Nhiều người trẻ làm việc ở thành phố, ở lại từ 7 đến 20 ngày, nhưng vẫn phải trở lại với cuộc sống và công việc thường nhật của họ.
Trước đây, khi nhắc đến "dưỡng lão", mọi người thường nghĩ đó là sự nghỉ ngơi, dừng lại, nhưng bây giờ chúng tôi muốn chuyển đổi việc dưỡng lão thành một thái độ sống tích cực, để người trẻ có thể nuôi dưỡng tâm hồn mình được bình yên, và sau đó có thể khởi hành một cách tốt đẹp hơn.
02 - Nơi đây là một "bệnh viện chữa lành"
Dưới đây là lời tâm sự của 3 bạn trẻ đã sống tại "viện dưỡng lão thanh niên".
Khâu Tiểu Thiên - "Em chỉ muốn tạm thời nghỉ ngơi một chút ở đây"
Khâu Tiểu Thiên thuộc thế hệ 9x, làm việc tự do trong ngành truyền thông, đến từ Thành Đô, Tứ Xuyên. Điều làm em hạnh phúc nhất khi đến viện dưỡng lão cho giới trẻ là không ai phán xét việc mình làm là đúng hay sai, không ai thúc giục mình phải làm điều gì. Hôm nay em ra ngoài chạy bộ, tắm mưa cũng cảm thấy rất vui.
Em đến đây lần đầu vào năm 2022, đã ở lại nửa năm, và trong tháng 6 năm nay em lại trở lại. Ban đầu, khi gia đình biết em ở viện dưỡng lão cho giới trẻ, họ không hiểu lắm. Mẹ em thì bảo, bà không muốn đến viện dưỡng lão, còn em ở tuổi này là lúc nên nỗ lực, em đi viện dưỡng lão làm gì. Trước khi đến đây, em đã làm việc hai năm, công việc hành chính, hàng ngày lặp đi lặp lại cùng một việc, cái gì cũng thấy trước mắt. Sau khi nghỉ việc, em trở thành người quản lý mạng, và khi đi sưu tầm ở Vân Nam lần đầu tiên em đã biết đến viện dưỡng lão cho giới trẻ.
Em là đứa trẻ lớn lên trong sự nền nếp truyền thống, đến tuổi này, áp lực hôn nhân từ phía ba mẹ cũng khá lớn. Mẹ em luôn nghĩ rằng sau khi tốt nghiệp, việc kết hôn và sinh con nên được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, tình trạng của em khi về nhà ăn Tết là cứ một năm lại áp lực hơn năm trước.
Bây giờ đã lâu lắm rồi em không mở máy tính, thỉnh thoảng dùng điện thoại liên lạc với gia đình, bạn bè. Em cảm thấy bản thân mình giờ đây khỏe mạnh hơn, trước kia hay ăn đồ ăn nhanh, bây giờ tự nấu ăn; trước kia việc thức dậy sớm để làm việc là dưới áp lực của tiếng chuông báo thức, giờ đây là dậy với tiếng chim hót, cả người thoải mái hơn nhiều.
Em muốn tạm thời nghỉ ngơi một chút ở đây, không phải là nằm dài cả ngày mãi mãi, mà là tự sắp xếp lại cuộc sống của mình, tìm ra điều em thực sự muốn làm, và cuối năm nay, em sẽ lại lên đường đi tiếp.
Lương Kiến Bình: "Sống cùng các bạn trẻ giúp tôi hiểu con mình hơn"
Lương Kiến Bình thuộc thế hệ 8x, là một nghệ nhân làm gốm, đến từ Vân Nam, Côn Minh.
Tôi có lẽ là người khá lớn tuổi trong số những người ở viện dưỡng lão cho giới trẻ, trạng thái sống của tôi sẽ hơi khác một chút so với họ. Thông thường tôi thức dậy vào khoảng 7 giờ, pha một ấm trà, một mình lặng đọc sách, đôi khi tôi sẽ làm gốm, có lúc lại dạy cho những bạn có hứng thú cách làm các loại đồ gốm đơn giản.
Trước đây khi tôi ở trong thành phố, cuộc sống khá ồn ào, hàng ngày ở nhà chăm sóc con cái, không có nhiều thời gian để suy nghĩ về việc sáng tạo. Ở đây tôi cảm thấy yên tĩnh hơn nhiều, các việc vụn vặt tạm thời đều bỏ qua, hoàn toàn đắm chìm vào việc sáng tạo trên đất sét. Mặc dù nơi này được gọi là "viện dưỡng lão", nhưng tôi cảm thấy đây là nơi va chạm với những người trẻ. Những người thuộc thế hệ 9x thường nhanh nhẹn và hoạt bát, ở cùng với họ tôi được tiếp xúc với nhiều điều mới mẻ. Bình thường tôi không giỏi biểu đạt, giao tiếp, nhưng sống cùng những bạn trẻ 9x, nghe họ chia sẻ quan điểm, tôi lại nghĩ về con cái mình.
Tôi nhận thấy sự thay đổi rõ ràng trong cách tôi giáo dục con cái về mặt tư duy, trước đây khi ở cùng con tôi hay nghiêm túc, nhưng giờ đây tôi đã thoải mái hơn nhiều, cũng sẽ chủ động tìm hiểu những điều mà trẻ con thích, những thứ đang thịnh hành. Hiện tại tôi dự định ở đây một hai tuần, vào tháng 9 hoặc tháng 10 tôi sẽ mang theo vợ tôi đến đây sống cùng, để cô ấy cũng có thể cảm nhận được điều này.
Tiểu Vũ: "Một lần nữa, tôi cảm nhận được sự kết nối ấm áp giữa mọi người"
Tiểu Vũ, thuộc thế hệ 9x, là cựu nhân viên của một công ty nhà nước đến từ Bắc Kinh.
Đây không chỉ đơn thuần là một viện dưỡng lão, đối với tôi nó còn như một 'bệnh viện'. Tôi hiện đang là cư dân thường trú ở đây, nơi này cho bạn tự do thể hiện bản năng, có vô vàn niềm vui không thể kể xiết, tôi đã từ một người 'I' (introvert) trở thành người 'E' (extrovert). Tôi trước đây là lính, sau khi xuất ngũ tôi làm việc ở công ty nhà nước và đã định cư ở Bắc Kinh hơn 10 năm. Ở một thành phố lâu đến vậy, vòng tròn xã hội dần trở nên hạn hẹp và cuối cùng tôi cảm thấy khá cô đơn và mông lung.
Mùa đông ở phía Bắc rất lạnh, vào năm 2022, sau khi năm mới tôi muốn ra ngoài để thư giãn một chút, rất tình cờ đi ngang qua nơi này. Khi đó, viện dưỡng lão vẫn đang trong giai đoạn đầu, tôi rất ngạc nhiên khi thấy một viện dưỡng lão lại không có người già.
Lúc đó mọi người đang xúm lại quanh đống lửa hát ca, ban đầu tôi cảm thấy rất gượng gạo, ngồi đó lúng túng, nhưng họ không để ý đến việc tôi chỉ là một người lạ, họ vẫn chạm cốc với tôi, kéo tay tôi, và bỗng nhiên, tôi cảm thấy trái tim mình được mở cửa, tôi không muốn rời đi. Tôi đã thuê một ngôi nhà nhỏ ở làng bên cạnh để chờ viện dưỡng lão hoàn thành, trong quá trình đó tôi cũng giúp đỡ chọn cửa sổ, rèm tre và những thứ khác, nhìn nó từng bước trở nên hoàn thiện, tôi cảm thấy rất hài lòng.
Ở viện dưỡng lão cho giới trẻ, nếu bạn có việc gì thì cứ bận rộn, khi trở về mọi người vẫn ở đây chờ bạn, cảm giác này rất thân thiết. Một ngày nào đó trong tương lai, tôi chắc chắn sẽ bước ra khỏi nơi này, làm việc khác, nhưng tôi cũng chắc chắn sẽ quay trở lại.
No comments