Nhà tôi có 1 đứa cháu mở miệng ra là văng tục, chửi thề, phải làm sao đây? - TIN TỨC KÊNH 13

Breaking News

Nhà tôi có 1 đứa cháu mở miệng ra là văng tục, chửi thề, phải làm sao đây?

“Tôi năm nay 25 tuổi. Dù xấu hổ nhưng phải thú thật, tôi có nói tục, chửi thề trong giao tiếp và chat với bạn bè. Tôi luôn xem đó là 1 chuyện cỏn con cho đến khi tôi tận tai nghe được một đứa cháu họ của mình, đang học lớp 2, phun ra một tràng những từ ngữ khó nghe vì bị bố mẹ đột ngột thu điện thoại lại không cho xem, lúc cả nhà đang ăn cơm. 3 thế hệ trong mâm ăn hôm đó đều chết sững, riêng bố mẹ nó thì đỏ bừng mặt mũi. Chuyện gì diễn ra sau đó thì chắc mọi người cũng đoán được.

Mọi người ơi cho hỏi, trẻ con văng tục chửi thề, mọi người nghe được có sốc lắm không ạ? Chứ sao tôi sốc thế? Trong khi bản thân tôi cũng không ‘trong sạch' gì lắm…”.

Nhà tôi có 1 đứa cháu mở miệng ra là văng tục, chửi thề, phải làm sao đây?- Ảnh 1.

Đây là dòng tâm sự của 1 bạn trẻ viết lên Threads thu hút hàng nghìn lượt quan tâm. Nhiều Gen Z đời đầu đã lập gia đình vào để lại bình luận cho rằng họ đang rơi vào thế vô cùng lúng túng.

Lúng túng khi chứng kiến con cháu mình văng tục chửi thề vì bị ảnh hưởng từ môi trường sống xung quanh. Lúng túng vì cứ mở điện thoại lên là lại thấy các bé đang xem những clip với hàng loạt nội dung không tích cực, các idol mạng thoải mái văng tục, chửi thề mỗi cuối câu nói, khiến các bé nghĩ đó là chuyện hiển nhiên, ngầu lòi và học theo. Lúng túng vì… có những bé không thể hiện ra sự lệch lạc trong giao tiếp hàng ngày, chỉ âm thầm “nổi loạn" trong các group chat với bạn bè, khi hoạt động trong hội nhóm, bố mẹ, anh chị không thể nào biết được những lệch chuẩn đang diễn ra.

“Em không thể chấp nhận được, nếu nghe cháu em văng tục chắc chắn em sẽ trừng phạt nó", một cô gái tuyên bố khi tham gia vào cuộc thảo luận.

Nhưng, sự giận giữ hay kiểm soát điên cuồng, lại càng phản ánh những bất lực trong giáo dục. Không có gì đảm bảo rằng sau khi trừng phạt, tật xấu sẽ biến mất. Biết đâu đấy, nó lại càng làm vấn đề thêm trầm trọng khi gia đình trở thành “nửa bên kia thế giới" đối với các bạn nhỏ.

Nhà tôi có 1 đứa cháu mở miệng ra là văng tục, chửi thề, phải làm sao đây?- Ảnh 2.

Bắt đầu học thói văng tục chửi thề thì dễ - nhưng bỏ thì rất khó. Cả với những người lớn, đã trưởng thành, có đủ nhận thức xã hội, chuyện bỏ thói quen này vẫn không dễ; thì với đứa trẻ lứa cấp 1, cấp 2… thì còn nan giải đến cỡ nào!

Lúng túng với sự thật khó chấp nhận

Tạ Hồng (sinh năm 1997, Nghệ An) có một cậu con trai đầu lòng, năm nay chỉ mới 2 tuổi. Tuy nhiên, Tạ Hồng cũng không đứng ngoài nỗi lo “nhà tôi có 1 đứa con/cháu chửi thề".

Thực tế mà nói, con của Tạ Hồng vẫn còn nhỏ, chỉ mới nói được đôi câu, song, cô cũng nhiều lần sốc lên sốc xuống khi nghe các cháu quanh nhà mình chí chóe cãi nhau rồi thỉnh thoảng quăng ra 1 từ điếng tai.

“Lần đầu nghe, mình còn tưởng đã nghe nhầm cho đến khi mấy bé tiếp tục hét lên như thế. Hỏi ra thì mới biết ‘con thấy các bạn nói nên con cũng nói’. Mình có trao đổi lại với phụ huynh của các bé, rất sợ các con tưởng đó là đúng và cứ nói trước mặt nhau, trước mặt thầy cô, người lớn tuổi. Mình cũng mong bố mẹ các bé quan tâm con hơn, kịp thời uốn nắn", cô nói.

Tạ Hồng nghĩ sớm muộn gì con trai cô cũng sẽ hòa nhập vào đám trẻ kia và bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Tạ Hồng cũng chưa biết cách nào ngăn chặn hiệu quả ngoài hy vọng sự nhẹ nhàng từ phía gia đình lẫn giáo dục đúng ngay từ đầu sẽ giúp đứa trẻ sớm nhận thức điều gì nên và không, tốt và xấu trong giao tiếp.

Nhà tôi có 1 đứa cháu mở miệng ra là văng tục, chửi thề, phải làm sao đây?- Ảnh 3.

Lê Ánh đang là chị của một cậu học sinh lớp 8 và nhiều người cháu học cấp 1, cấp 2 cũng thừa nhận các bé nhỏ bây giờ văng tục chửi thề rất nhiều. Nó là vấn nạn gần như khiến tất cả các phụ huynh đau đầu, có người xử lý khéo léo có người lại làm mọi thứ bung bét lên… kết cuộc: Nó không nói bậy trước mặt mình, không biết có nói ở đâu nữa không?

“Tôi cảm thấy không được tôn trọng, thậm chí thấy chúng quá hỗn hào. Tôi không tin được vì sao cháu mình, một đứa mới chỉ lớp 2 lại thốt ra những câu nói đó qua cửa miệng. Chúng còn quá nhỏ, nói nhiều sẽ dần hình thành thói quen, tạo nên tính cách xấu, lớn lên sẽ phải làm thế nào đây", Lê Ánh than vãn trong bất lực.

Tiếp nhận vấn đề 1 cách bình tĩnh hơn, Minh Thúy (25 tuổi, TP.HCM) sắp sửa làm mẹ, khi được hỏi về vấn đề nếu chứng kiến con cái sau này văng tục chửi thề, nói: “Mình sẽ không sốc khi nghe con nói bậy, nhưng mình sẽ rất lo lắng và đặt ra 1001 câu hỏi về chuyện con học được thói xấu này ở đâu? Liệu con có đang tiếp nhận nguồn văn hoá xấu nào không? Điều đó có ảnh hưởng đến nhận thức của con hay không? Liệu con có bị bạn bè không tốt lôi kéo…? Cái đó là cái mình lo nhất. Các ông bố, bà mẹ đều luôn nghĩ con mình còn bé bỏng nên gần như sẽ khó chấp nhận khi chứng kiến con có các hành vi, ngôn ngữ ‘nổi loạn’ như vậy. Nhưng mình nghĩ nên nhìn thẳng vào sự thật để hiểu con, giải thích nhẹ nhàng cho con, đồng hành để con tốt hơn chứ không phải đùng đùng trừng phạt con gây ra những ám ảnh, cú sốc khác…”.

Nhỏ không uốn nắn, lớn lên thiệt thòi

Tạ Hồng cho hay bản thân cô không đồng tình với việc bố mẹ thoải mái nói tục, chửi thề trước mặt con rồi bắt con phải trở thành 1 người chuẩn chỉnh. Đó là tiêu chuẩn kép. Bản thân người lớn phải ý thức việc làm gương cho con cái từ trong gia đình, ra ngoài trường lớp rồi mới đến xã hội. Có thể việc lệch chuẩn sẽ xảy ra ở 1 giai đoạn nào đó, trong vài tình huống khó kiểm soát nào đó… nhưng nếu xuất phát điểm đúng và đường ray giáo dục đúng, thì bất cứ con tàu đi chệch hướng nào sẽ sớm quay về đúng với quỹ đạo của nó. Điều quan trọng nhất là tất cả cùng bình tĩnh, có cách tiếp cận và xử lý vấn đề khéo léo.

Nhà tôi có 1 đứa cháu mở miệng ra là văng tục, chửi thề, phải làm sao đây?- Ảnh 4.

“Bạn thử tưởng tượng bạn dẫn con bạn đi nhà đồng nghiệp chơi hoặc đến thăm nhà ông bà,... và nói những câu đó họ sẽ nghĩ gì về con bạn. Thậm chí, họ cũng sẽ đánh giá luôn bố mẹ là không biết dạy con”, Tạ Hồng nói.

Cô đặt nặng trách nhiệm của bố mẹ trong việc theo sát và giáo dục con cái, trước khi đánh mắng trẻ để trừng phạt.

Minh Thúy cho hay nhiều trường hợp nổi tiếng hiện nay bất ngờ bị netizen “ném đá” cũng vì quá khứ có những câu từ không phù hợp. Hơn nữa, việc nói tục, chửi thề từ nhỏ mà không có sự phát hiện, khuyên răn từ bố mẹ đến khi lớn lên sẽ vô tình tạo thành thói quen, xem đó như là điều hiển nhiên, gặp ai hay trong hoàn cảnh nào cũng nói, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, các mối quan hệ về sau.

“Có câu thói quen tạo nên tính cách, tính cách tạo nên số phận. Tôi lo sợ con, em hay cháu mình biến việc nói bậy trở thành thói quen, không kiểm soát được, đánh mất những cơ hội trong tương lai”, chị nói.

Nhà tôi có 1 đứa cháu mở miệng ra là văng tục, chửi thề, phải làm sao đây?- Ảnh 5.

Nguyễn Thảo - tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý học giáo dục tại ĐH Sư phạm Huế nhìn nhận vấn đề dưới góc độ chuyên môn.

Trẻ em nói tục là vì học theo người lớn, như một sự bắt chước mà chúng còn không hiểu hết ý nghĩa. Điều này khác với người lớn hay chửi tục lúc giận dữ, hoặc do thói quen. Bên cạnh đó, việc một đứa trẻ thường xuyên nói tục, chửi bậy hoặc hét lớn lên cũng phần nào thể hiện việc đứa trẻ đó đang gặp vấn đề về tâm lý hoặc bước vào giai đoạn nhạy cảm. “Bố mẹ cần quan sát và có định hướng phù hợp cho con cái. Đừng vội la mắng hay đánh con, em khi nghe chúng nói tục, chửi bậy mà phải khuyên răn từ từ”, cô bạn chia sẻ.

Tạm kết:

Ai cũng mong con, cháu, em mình là “những đứa trẻ ngoan" khi ra ngoài. Nhưng đừng chỉ mong chúng làm đẹp mặt chúng ta khi ở ngoài đường, còn về nhà… sao cũng được. Bố mẹ, anh chị, ông bà cũng là người có trách nhiệm trong việc quan sát, đồng hành cùng trẻ trong việc hoàn thiện mình, đúng thì khen ngợi, sai thì lập tức sửa đổi. Không có việc gì là quá muộn, nhất là khi tất cả chỉ mới bắt đầu. Ai cũng phải thử tất cả mọi điều mà cuộc sống trao cho, trong đó có cả những thứ tốt đẹp, những thứ chưa tốt đẹp để rồi gạn lọc và giữ lại cho mình điều phù hợp nhất, có giá trị nhất.

Nhà tôi có 1 đứa cháu mở miệng ra là văng tục, chửi thề, phải làm sao đây?- Ảnh 6.

No comments

Phan Phoi Camera Dahua